Những giếng nước đắt đỏ ở Đắk Nông: Chi nửa tỷ đồng tìm nguồn nước

 

 

Cứ mỗi lần mùa khô đến, người dân tại các thôn Tân Lập, Nam Định, xã Đắk Ghềnh (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) phải “vật vã” tìm nước tưới, nước sinh hoạt. Nhiều hộ khoan hơn 10 cái giếng nhưng không đủ nước dùng. Bi hài hơn, có hộ mua đất chỉ vài ba triệu nhưng mất gần nửa tỷ đồng để  khoan giếng  .

5 lần bơm được 200 lít nước

Dẫn PV đi một vùng quanh diện tích hơn 2ha rẫy của mình, anh Nguyễn Văn Huy, trú thôn Nam Định (xã Đắk Ghềnh) cho hay, gần 2 tháng nay, trên địa bàn không có một giọt mưa, cây cối trên rẫy của anh phần đã chết, phần thì đang héo dần héo mòn vì thiếu nước tưới.

Để cứu cây, anh Huy đã bỏ ra cả trăm triệu đồng thuê thợ, thuê máy về  khoan giếng  nhưng không mang lại kết quả. “Vùng này cao, đất nhiều sỏi đá. Thời gian nắng cũng kéo dài quá lâu nên suối khô, giếng cạn. Chúng tôi thật sự đang gặp rất nhiều khó khăn trong mùa nắng hạn này”, anh Huy chia sẻ.Anh Huy cho biết: “Trong số 12 cái giếng mà tôi đã khoan, cái cạn thì tầm 60m, cái sâu khoảng 90m. Thế nhưng, chỉ có duy nhất 1 cái có nước. Vào mùa hạn này, giếng có nước cũng chẳng ăn thua, tôi phải bơm 5 lần mới được 200 lít nước để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt”.

Tương tự, gia đình ông Vũ Văn Hiển (thôn Nam Định) cũng bỏ ra cả 100 triệu đồng để khoan 10 cái giếng, tìm nước tưới và sinh hoạt. Tuy nhiên, đến nay gia đình cũng phải “mót” từng tí nước từ đáy giếng lên để dùng vì việc khoan giếng không mang lại kết quả.

Cũng như gia đình anh Huy, khi bỏ chi phí ra quá nhiều để thuê máy, thuê thợ khoan giếng nhưng không mang lại kết quả, ông Hiển đã bàn bạc với 3 hộ dân khác, góp tiền mua 1 cái máy khoan giếng về để tự khoan, tìm nước trong mùa hạn.

Ông Hiển chia sẻ: “Vùng này nhiều đá tầng, hiếm nước nên bà con ai cũng phải khoan từ 8-10 cái giếng, có nhà còn khoan nhiều hơn. Thế nhưng, mỗi lần khoan giếng cũng phải mất cả chục triệu đồng tiền công thợ, máy móc, ống nhựa, ăn uống… mà chưa chắc có nước. Bởi thế, bà con chúng tôi bàn bạc nhau góp vốn, mua máy khoan về để tự khoan. Ban đầu tuy có tốn kém nhưng tính đường dài thì lợi hơn rất nhiều”.

Mua đất hơn 3 triệu, khoan giếng gần nửa tỷ đồng

Bi hài nhất là trường hợp của anh Nông Đức Tuyên, thôn Tân Lập.

Anh Tuyên cho hay, nhà anh ở xã Cư Knia, huyện Cư Jút. Năm 1996, anh đến xã Đắk Ghềnh mua mảnh đất hơn 2ha với giá 3,5 triệu đồng.

Sau khi cải tạo đất, anh tiến hành trồng hồ tiêu để phát triển kinh tế. Đến năm 2015, khi thời tiết nắng hạn kéo dài, sợ vườn hồ tiêu chết, anh Tuyên thuê thợ, thuê máy về khoan giếng, tìm nước tưới.

Thế nhưng, khoan 10 cái giếng, mỗi cái sâu từ 70-90m khắp các điểm trong rẫy, anh Tuyên và nhóm thợ vẫn lực bất tòng tâm vì không tìm được giọt nước nào.

Hết cách, anh bỏ ra vài chục triệu đồng thuê một nhóm địa chất ở nơi khác về dò tìm nguồn nước. Sau khi được nhóm địa chất dò tìm, tư vấn, anh khoan thêm 6 cái giếng nhưng vẫn chẳng thấy nước đâu.

Anh Tuyên kể: “Năm 2015, tôi hết khổ vì việc khoan giếng. Lúc đó giá hồ tiêu đang cao, khoảng 160-180 ngàn đồng/kg. Vườn hồ tiêu lúc đó là thu nhập chính của gia đình nên bằng mọi giá, tôi phải tìm được nước để tưới cây. Vậy nhưng, khoan liên tục mười mấy cái giếng sâu từ 70m-90m mà chẳng có nước khiến tôi mất ăn mất ngủ, lo lắng đủ đường”.

Cuối cùng, anh Tuyên về tỉnh Đắk Lắk, tìm hiểu thông tin và tiếp tục bỏ tiền ra để “cầu cứu” đoàn địa chất tỉnh này. Sau mấy ngày đo đạc, dò tìm, nhóm cán bộ địa chất đã chỉ cho anh Tuyên khoan ở điểm đất có tọa độ cao nhất trong rẫy của mình. Đồng thời, anh Tuyên cũng nhận được lời khuyên chỉ khoan đúng 38m, không được khoan sâu hơn.

Nửa tin nửa ngờ khi khoan ở các điểm thấp không có nước nhưng anh Tuyên vẫn phải nghe lời nhóm địa chất vì sợ vườn tiêu chết. Nào ngờ, đúng như tính toán của nhóm cán bộ địa chất, anh Tuyên khoan đến 38m thì có nước và tưới thoải mái cho đến bây giờ.

Anh Tuyên hóm hỉnh cho hay: “Khi nhóm địa chất chỉ điểm khoan ở nơi cao nhất, tôi cũng làm theo nhưng rất nghi ngờ. Bởi lẽ, trước đó tôi đã khoan rất nhiều chỗ ở gần suối mà chẳng có nước. Tuy nhiên, đúng như dự đoán của họ, tôi khoan ở điểm cao nhất thì có nước. Sau khi có nước, tôi mừng quá, mổ heo, gà mời bà con đến ăn mừng”.

Cũng theo lời anh Tuyên, sau gần 2 tháng trời, khoan 17 giếng anh mới có nước tưới. Tổng chi phí anh bỏ ra để tìm nước gần 500 triệu đồng. “Tôi mua 2ha đất với giá hơn 3 triệu đồng nhưng mất gần nửa tỷ đồng để khoan giếng. Tiền ống nước, tiền mua nước mồi, tiền thợ, tiền thuê địa chất… rất tốn kém. Hồi đó hồ tiêu có giá, tiền bạc rủng rỉnh chứ như thời điểm này, hồ tiêu chỉ vài chục ngàn/kg thì nước hết cũng chịu”, anh Tuyên chia sẻ.

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Đắk Ghềnh cho hay, trên địa bàn xã cũng có đập chứa nước để phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu của bà con. Tuy nhiên, các thôn Nam Định, Tân Lập ở xa, địa hình có nhiều đá bàn, đá tầng nên thường xảy ra khô hạn, thiếu nước tưới. Vì vậy, bà con nơi đây phải khoan nhiều giếng để tìm nước.

Theo Trần Nhân –  báo Infonet – Bộ Thông Tin và Truyền Thông

Công ty ATI Việt Trung chuyên phân phối các sản phẩm máy khoan, máy bơm bùn, máy khoan cơ giới, địa chất lớn và các loại phụ kiện máy đi kèm.

Địa chỉ Công viên Cây Xanh – Tô Hiệu – Hà Đông

Điện thoại : 0329370111