Tình hình Ukraine đang diễn biến như thế nào?

TTO – CẬP NHẬT – Tổng thống Ukraine ban bố sắc lệnh tổng động viên, huy động toàn bộ lực lượng quân đội. Người Ukraine tại các nước xuống đường, G7 lên án Nga, còn phái đoàn Nga và Ukraine đấu khẩu tại LHQ.

* Sáng 25-2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Ukraine ban bố sắc lệnh tổng động viên, huy động toàn bộ lực lượng quân đội. Theo sắc lệnh có hiệu lực trong 90 ngày này, lính nghĩa vụ và quân dự bị ở tất cả các khu vực ở nước này sẽ được huy động. Tổng thống Zelensky yêu cầu Bộ Tổng tham mưu ước tính có bao nhiêu quân nhân được huy động và theo thứ tự nào.

ĐỌC NHANH: Tình hình Ukraine đang diễn biến như thế nào? - Ảnh 2.

Quân nhân Ukraine ngồi trên xe bọc thép di chuyển trên một con đường ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, ngày 24-2 – Ảnh: AP

* Nhà Trắng ngày 24-2 cho biết trước cuộc họp lãnh đạo G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia nước này, thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Ukraine. Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ và các đồng minh cùng đối tác sẽ có phản ứng một cách thống nhất và quyết đoán trước những động thái của Nga tại miền Đông Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay vận tải Antonov An-26 chở thiết bị quân sự đã rơi gần Ukraine vào ngày 24-2. Toàn bộ tổ bay đã thiệt mạng. Báo cáo ban đầu cho thấy không có thiệt hại dưới mặt đất và máy bay gặp sự cố kỹ thuật.

ĐỌC NHANH: Tình hình Ukraine đang diễn biến như thế nào? - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia, thảo luận về động thái của Nga ở miền Đông Ukraine, ngày 24-2 – Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 25-2, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết Nhật Bản sẽ trừng phạt Nga, nhắm vào các tổ chức tài chính và hoạt động xuất khẩu các mặt hàng quân sự như chất bán dẫn. Nhật Bản cũng lên kế hoạch “đóng băng tài sản và ngừng cấp thị thực cho cá nhân và tổ chức Nga”, cũng như đóng băng tài sản “các tổ chức tài chính của Nga”.

Úc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số công dân và nhà lập pháp tinh hoa của Nga, cùng với hơn 300 thành viên Quốc hội Nga vì đã bỏ phiếu đưa quân vào Ukraine.

Thủ tướng Scott Morrison cũng quan ngại về việc Trung Quốc “không phản ứng mạnh mẽ” với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chỉ trích việc Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế thương mại với Matxcơva vào lúc này là “không thể chấp nhận được”.

Cơ quan kinh tế Đài Loan nói hòn đảo sẽ “xem xét kỹ lưỡng” các mặt hàng xuất khẩu sang Nga và phối hợp với các đồng minh để có các biện pháp phản ứng thích hợp.

* Cộng hòa Czech, Latvia và Lithuania ngừng cấp thị thực cho công dân Nga. Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala nói với báo giới: “Chúng tôi đang đình chỉ việc xử lý đơn xin thị thực của công dân Nga tại tất cả các cơ quan lãnh sự của chúng tôi, ngoại trừ các trường hợp nhân đạo”.

* Thủ tướng Canada Justin Trudeau công bố các biện pháp trừng phạt mới lên 58 cá nhân và thực thể Nga vào ngày 24-2 để phản ứng với hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Ottawa cũng đặt 3.400 binh sĩ vào trạng thái sẵn sàng triển khai tới châu Âu, cùng với máy bay và tàu chiến.

* Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ngày 24-2, đồng ý áp đặt “những hậu quả to lớn và nghiêm trọng” lên Nga để phản ứng với hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, bằng cách nhắm vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế xứ sở bạch dương. 

Các biện pháp trừng phạt này bao gồm lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải, hàng hóa lưỡng dụng cũng như kiểm soát xuất khẩu và tài trợ xuất khẩu, chính sách thị thực, bổ sung thêm các cá nhân Nga, và các tiêu chí niêm yết mới.

ĐỌC NHANH: Tình hình Ukraine đang diễn biến như thế nào? - Ảnh 4.

Một phụ nữ bồng con lên chuyến tàu chạy từ Kostiantynivka, Donetsk, miền đông Ukraine tới thủ đô Kiev ngày 24-2 – Ảnh: AP

* Các nhà lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến hôm 24-2 nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “lại đưa chiến tranh quay trở lại lục địa châu Âu”. Họ cho rằng “ông Putin đã tự đặt mình vào mặt trái của lịch sử”.

“Chúng tôi lên án Tổng thống Putin vì ông nhất quyết từ chối tham gia quá trình ngoại giao để giải quyết các vấn đề liên quan tới an ninh châu Âu, bất chấp những lời đề nghị lặp đi lặp lại của chúng tôi.

Chúng tôi đoàn kết với các đối tác, bao gồm NATO, Liên minh châu Âu (EU), và các quốc gia thành viên của họ, cũng như Ukraine. Chúng tôi vẫn quyết tâm làm những gì cần thiết để duy trì sự toàn vẹn của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” – các lãnh đạo G7 nêu trong tuyên bố chung.

* Theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 24-2, sau khi Nga đưa quân vào lãnh thổ Ukraine. Hai nhà lãnh đạo đã có “cuộc trao đổi quan điểm nghiêm túc và thẳng thắn” về vấn đề Ukraine. 

Ông Putin đã đưa ra “lời giải thích cặn kẽ về lý do và hoàn cảnh đằng sau quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Còn Điện Elysée cho biết ông Macron đã yêu cầu chấm dứt hoạt động quân sự của Matxcơva ở Ukraine.

ĐỌC NHANH: Tình hình Ukraine đang diễn biến như thế nào? - Ảnh 5.

Radar và các thiết bị khác bị hư hại sau khi bị tấn công tại cơ sở quân sự Ukraine bên ngoài TP Mariupol, Ukraine ngày 24-2 – Ảnh: AP

Theo Hãng tin Tass của Nga, trong tuyên bố ngày 24-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Nga sẽ luôn sẵn sàng đối thoại, đồng thời bày tỏ hy vọng vẫn còn cơ hội để quay trở lại các nghĩa vụ quốc tế. Ngoại trưởng Lavrov nói thêm rằng các biện pháp mà Nga thực hiện ở Ukraine là nhằm đảm bảo an ninh cho người Nga.

Trong cuộc họp báo ngày 24-2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết các đơn vị quân đội Nga đã “thực hiện thành công tất cả nhiệm vụ” trong ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga nói đã vô hiệu hóa 83 mục tiêu dưới mặt đất tại Ukraine, trong đó có 11 sân bay quân sự, 3 sở chỉ huy, 1 căn cứ hải quân, 18 trạm radar của các tổ hợp phòng không S-300 và Buk-M1.

Trong khi đó, quân đội Ukraine cho biết họ đã bắn rơi ít nhất 6 máy bay và 1 trực thăng của Nga.

ĐỌC NHANH: Tình hình Ukraine đang diễn biến như thế nào? - Ảnh 6.

Khói và lửa bốc lên gần một tòa nhà quân sự sau khi bị tấn công ở Kiev, Ukraine ngày 24-2 – Ảnh: AP

* Phái đoàn Ukraine và Nga trao đổi căng thẳng tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, sau khi Nga tuyên bố phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào ngày 24-2.

Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya cáo buộc Nga tuyên chiến với đất nước của ông. Đáp lại, người đồng cấp Nga Vassily Nebenzia đổ lỗi cho Ukraine vì đã không chú ý tới lời khuyên của Nga về việc ngăn chặn “các hành động khiêu khích” ở khu vực Lugansk và Donetsk thuộc vùng Donbass, miền đông Ukraine.

ĐỌC NHANH: Tình hình Ukraine đang diễn biến như thế nào? - Ảnh 7.

Những người Ukraine sống ở Montenegro tụ tập phản đối hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Họ xuất hiện gần Đại sứ quán Nga ở Podgorica, Montenegro vào ngày 24-2 – Ảnh: REUTERS

Nhiều hình ảnh được truyền thông quốc tế chia sẻ cho thấy người Ukraine và các công dân nước khác có mặt gần Đại sứ quán Nga ở Podgorica (Montenegro), trước Lãnh sự quán Nga ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), bên ngoài Đại sứ quán Nga ở Rome (Ý), xuống đường ở Barcelona (Tây Ban Nha), Berlin (Đức), The Hague (Hà Lan), London (Anh)… vào ngày 24-2.

Họ đưa ra nhiều khẩu hiệu, trong đó có nội dung kêu gọi các lực lượng Nga rời khỏi lãnh thổ Ukraine. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở miền đông Ukraine.

nguồn: tuoitre.vn