“Sốt” khoan giếng giữa mùa mưa

Vì sao đang mùa mưa người dân vẫn khoan giếng? Có lẽ với nhiều hộ xuất phát từ nỗi ám ảnh hạn hán mùa khô 2015-2016. Qua tìm hiểu cho thấy, khoan giếng vào mùa mưa có nhiều lợi thế từ việc dễ gọi thợ khoan, có sẵn nước mồi cho đến giảm kinh phí. Vì vậy, thời điểm này người dân khoan giếng ngày càng nhiều, không quan tâm tới những tác động đến mạch nước ngầm.

GIẾNG KHOAN TĂNG TỪNG NGÀY

Theo khuyến cáo, giếng khoan phục vụ nước sinh hoạt phải cách nhau 200m, phục vụ tưới tiêu cách nhau 350m mới đảm bảo an toàn, tránh sụt lún và sụt mạch nước ngầm. Tuy nhiên, mùa khô 2015-2016 kéo dài, khốc liệt, nhiều nơi trong tỉnh khan hiếm nước, khiến người dân ở các huyện Đồng Phú, Bù Đăng, Lộc Ninh, Bù Đốp… nỗ lực thuê thợ khoan giếng tìm nước chống hạn. Tiếng máy khoan giếng ầm ì suốt ngày đêm. Anh Bùi Tuấn Nhật, chủ 4 giàn khoan ở ấp Cầu Hai, xã Đồng Tiến (Đồng Phú), cho biết: Ở ấp Cầu Hai có khoảng 12 gia đình làm nghề khoan giếng với hơn 20 giàn khoan. Mùa khô 2015-2016, nhà nào cũng làm không hết việc. Đến mùa mưa 2016, không khí khoan giếng vẫn còn. Riêng gia đình tôi có 4 giàn khoan thì 3 giàn đang hoạt động tại Đồng Xoài, Đồng Phú. Tính riêng những tháng mùa mưa vừa qua, 4 giàn khoan mang về cho gia đình tôi trên 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề khoan giếng, anh Nhật cho biết: “Không nên nhà nhà khoan giếng như hiện nay mà nên khoan chung giếng, tránh lãng phí nguồn nước và kinh phí. Đối với người dân thành thị, việc khoan giếng chung càng có nhiều ưu điểm: Nếu mạch nước ngầm tốt thì một giếng khoan đảm bảo nước sinh hoạt lâu dài cho 10-30 hộ (mỗi lần bơm tương đương 3-4m3). Mỗi hộ chỉ phải bỏ ra 1-2 triệu đồng thay vì 12-30 triệu, thậm chí 60 triệu đồng để khoan giếng riêng. Đồng thời, việc phải canh giờ bơm, căn ke sử dụng đủ lượng nước giúp các hộ nâng cao ý thức tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, việc khoan ít giếng giúp mạch nước ngầm không bị chia tách bởi những lỗ khoan sâu bình quân 40-60m, tránh nguy cơ sụt lún khi khoảng cách các giếng chuyển từ 5-20m thành 300-600m.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khoan giếng chung tại địa bàn thị xã chỉ còn là quá khứ. Nhiều gia đình đã tách ra khoan riêng. Lý do là tránh bị ràng buộc, phụ thuộc vào những gia đình khác. Chị Thanh ở khu phố Phú Lộc, phường Tân Phú (Đồng Xoài), trước đây dùng chung giếng đào với một hộ ở gần nhà. Nhưng khi hai gia đình đã có điều kiện đều muốn tách ra dùng riêng. Đến nay, ngoài giếng đào chung, mỗi hộ có thêm 2 giếng khoan. Cả hai gia đình mặc nhiên không để ý 5 giếng trong đường kính 120m, trong đó có 3 giếng cách nhau 20m, 2 giếng cách nhau 18m. Chị Thanh cũng cho biết, một giếng khoan của người hàng xóm vừa khoan 1 năm đã sập, do cách giếng đào cũ khoảng 18m.

Ngoài ra, một lý do khác khiến mọi người muốn khoan, đào giếng riêng là để dự phòng cho những mùa khô tiếp theo. Bởi trước cảnh nhiều nơi ở Tây Nguyên, Trung bộ và tỉnh ta khan hiếm nước dẫn tới cây trồng, gia súc, gia cầm chết khát trong mùa khô vừa qua thì ai cũng muốn khoan, đào giếng riêng, thậm chí đào thêm mấy giếng đề phòng. Sau khi bị sập 1 trong 3 giếng, ông Trần Hữu Cường cùng ở khu phố Phú Lộc dự tính khoan thêm 1 giếng để chuẩn bị nước phục vụ 32 phòng trọ. Một gia đình khác ở phường Tân Xuân (Đồng Xoài) cũng sở hữu 4 giếng khoan trong vườn nhãn. Sắp tới, số giếng sẽ tăng lên vì 4 giếng vừa khoan không có nước. Khi chúng tôi hỏi khoan nhiều giếng không có nước tại sao vẫn khoan tiếp, chủ hộ trả lời “sẽ có nước vì gia đình người anh sống cách nhà 50m chỉ khoan 1 giếng sâu 30m đã thoải mái nước sử dụng”. Chúng tôi hỏi tiếp sao gia đình không lấp những giếng khoan cũ, chủ hộ khẳng định “không cần thiết”.

CHỦ ĐỘNG CHO MÙA KHÔ SẮP TỚI

Xuất phát từ nỗi ám ảnh hạn hán mùa khô 2015-2016, tuy thời điểm này người dân không còn “khát” nhưng vẫn… khoan giếng. Tại ấp Suối Cam, xã Tiến Thành (Đồng Xoài), thợ khoan tên Dương (ở ấp Cầu Hai) mải mê khoan giếng từ nhà này tới nhà khác. Anh Dương cho biết: “Trước đây, tôi đến khoan cho 1 hộ ở xóm 1. Sau đó, các hộ kế cận thấy 4 ngày đã khoan xong, giếng lại nhiều nước nên gọi khoan. Cứ thế, giàn khoan của tôi chỉ loanh quanh trong xóm 1 cũng khoan được gần 16 giếng”. 

Một lý do nữa khiến người dân chọn khoan giếng vào mùa mưa 2016 là có sẵn nước mồi. Khoan vào mùa khô khan hiếm nước khiến các chủ hộ phải huy động lực lượng chạy đôn chạy đáo kiếm nước mồi. Thậm chí phải bỏ ra hàng triệu đồng mua nước mồi. Ngoài ra, mùa mưa người dân có nhiều thời gian rảnh nên thuận lợi khoan giếng do chưa đến mùa thu hoạch nông sản. Khoan giếng vào mùa khô vừa phải chờ đợi đến lượt trong khi nhu cầu nước tưới cho cà phê, điều, tiêu “sốt” từng ngày. Đồng thời, khoan giếng vào mùa mưa giảm được 45% kinh phí, từ 18 triệu đồng/giếng còn khoảng 10-12 triệu đồng/giếng và chủ động được nguồn nước để cung ứng cho cây trồng ngay từ đầu mùa khô hạn.

Tuy khoan giếng vào mùa mưa nhưng nhiều hộ dân ở Đồng Xoài, Bù Đăng, Lộc Ninh vẫn lo lắng: Mùa mưa có nước nhưng đến mùa khô 2016-2017 liệu giếng khoan còn nước?! Khô hạn có làm mực nước ngầm tụt sâu? Tuy nhiên, mọi người vẫn chủ động chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón mùa khô sắp tới.

Theo báo Bình Phước – Cẩm Thơ 

Công ty ATI Cùn cấp các sản phẩm máy khoan, bơm bùn, máy khoan cơ giới, máy thăm đo địa chất và các vật tư đi kèm.

Địa chỉ Công viên Cây xanh- Tô Hiệu Hà Đông – Hà Nội.

Hotline : 0329370111