Kỹ thuật khoan giếng, đào sâu âm bộng giếng, khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước ngầm

Kỹ thuật khoan giếng, đào sâu âm bộng giếng,

khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước ngầm

          Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kỹ thuật khoan giếng, đào sâu âm bộng; khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước ngầm.

1. Loại hình cấp nước chống hạn:

Căn cứ vào điều kiện nguồn nước ngầm từng vùng nắng hạn và khả năng hạ thấp mực nước trong đất. Có thể lựa chọn 1 trong 2 loại hình khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt:

– Giếng khoan;

– Đào sâu thêm và âm bộng giếng đào.

2. Phạm vi ảnh hưởng:

          Đối với giếng khoan đường kính 60mm phục vụ cấp nước sinh hoạt, khoảng cách giữa 2 giếng là 200m; giếng cách nhà vệ sinh tối thiểu 10m;

          Đối với giếng khoan đường kính 60mm phục vụ cho tưới ruộng, khoảng cách giữa 2 giếng 350m. Không nên bơm đồng thời các giếng liền kề nhau. Khoảng cách tối thiểu từ giếng khoan chống hạn cho cây trồng đến giếng cấp nước sinh hoạt là 600m.

          Nên chọn vị trí các giếng khoan ở vùng thấp và có tầng chứa nước dày.

3. Hướng dẫn thi công:

3.1. Giếng khoan:Giếng khoan được sử dụng khai thác nước trong đất. Phục vụ cho 30 hộ gia đình trở lên, hoặc để tưới ruộng cứu lúa khoảng 3 ha trở lên. Chỉ cho phép khai thác nước có lưu lượng nhỏ hơn 20m3/ngàyđêm.

Khoan và lắp đặt giếng:

Bước 1:Khoan giếng:

Khi khoan giếng cần lựa chọn theo các điều kiện địa chất thuỷ văn tại vị trí khoan, kết cấu giếng có đường kính giếng không quá 60mm, lựa chọn phương pháp khoan. Chú ý ví trí đặt giếng phải cách nguồn ô nhiễm (cầu tiêu, chuồng heo, chuồng bò…) tối thiểu 10m.

Bước 2: Sau khi khoan cần phải kết cấu giếng gồm ống chống, ống lọc và ống lắng:

Khi lắp đặt hoàn thành, phải cách ly giếng để khỏi bị nhiễm bẩn từ bề mặt đất xuống và các tầng ngậm nước không dùng đến bằng cách chèn xung quanh bên ngoài ống vách giếng lớp đất sét có độ sâu tối thiểu là 1m, quanh miệng giếng lớp đất sét rộng 0,5m, tạo bệ giếng bằng bê tông M200 kích thước dài 0,3m, rộng 0,3m và cao 0,3m để nước bẩn không thấm vào giếng.

Bước 3:Bơm súc rửa giếng, bơm hút nước từ trong giếng ra ngoài khoảng 2 giờ cho đến khi thấy nước trong, không màu, không có mùi vị lạ thì chính thức đưa vào sử dụng.

Nếu nước nhiễm sắt (nước phèn có mùi tanh, màu vàng) thì dùng bể lọc phèn để xử lý hoặc lọc phèn theo phương pháp truyền thống.

Sau khi khoan giếng xong, xét thấy không có nước thì không kết cấu giếng, phải tiến hành lấp hố khoan theo hướng dẫn số 998/STNMT-BĐTNN ngày 15/6/2010 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định.

vVận hành và sử dụng giếng khoan:

Giếng khoan có thể sử dụng bơm lắc tay hay bơm điện để bơm hút nước. Trường hợp mực nước trong giếng thấp không thể sử dụng bơm li tâm trục ngang đặt trên miệng giếng thì dùng bơm chìm đặt trong lòng giếng.

Sân giếng được láng xi măng, có rãnh thoát nước sinh hoạt ra xa khỏi giếng tối thiểu 10m.

Khi sử dụng bơm điện thì phải có dây tiếp đất để chống điện rò rỉ, máy bơm phải có hộp che đậy bảo quản máy bơm tránh nắng mưa.

Giếng nằm trong vùng ngập lụt: Vào mùa mưa khi có lũ phải tháo máy bơm để bảo quản, bịt kín miệng giếng. Sau mùa lũ phải bơm hút nước giếng với thời gian liên tục ít nhất 2 giờ thấy nước trong, không màu, không mùi vị lạ mới đưa vào sử dụng.

Luôn giữ gìn vệ sinh sạch sẽ khu vực giếng.

Trong trường hợp giếng không có kế hoạch sử dụng từ một năm trở lên thì phải trám lấp giếng theo hướng dẫn số 998/STNMT-BĐTNN ngày 15/6/2010 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định.

Đối với giếng phục vụ cho tưới ruộng cứu lúa cần quan tâm thêm một số vấn đề sau: (i) Mỗi giếng cách nhau tối thiểu 350m, (ii) Mỗi giếng chỉ cho phép bơm lưu lượng tối đa 20 m3/giờ, (iii) Bịt kín miệng giếng khi không có nhu cầu sử dụng, đặc biệt khi có lũ ngập miệng giếng.

4.2. Đào sâu, âm bộng giếng đào:

Giếng đào là một công trình khai thác nước ngầm mạch nông và có tầng trữ nước mỏng. Nguồn nước này sẽ suy giảm nhanh khi khai thác nước bằng giếng khoan xung quanh giếng đào một cách bừa bãi, quá mức. Giếng đào phục vụ cho 10 hộ gia đình trở lên và có lưu lượng cung cấp tối đa 20m3/ngày.

vChọn tổ chức, cá nhân hành nghề đào giếng:

Nên chọn tổ chức, cá nhân hành nghề đào giếng có kinh nghiệm làm việc trong nhiều năm và đã từng tham gia đào giếng cho vùng dự kiến thực hiện đào sâu âm bộng.

vBiện pháp thi công:

Chọn phương pháp đào đất hạ bi giếng đã đúc sẵn; Đường kính ống bi phải nhỏ hơn đường kính giếng có sẵn khoảng 0,1m. Chiều sâu đào âm bộng khoảng từ 1,0 đến 1,5m. Nên chọn những giếng có địa tầng là đất chứa nước.

Đáy giếng nên rải lớp sỏi 0,5-1cm, dày 0,2-0,4m để giữ ổn định đáy giếng.

Lưu ý:

Khi đào giếng nên theo dõi liên tục ở dưới đáy có khí độc hoặc thiếu oxy gây ngạt thở. Có thể kiểm tra bằng cách: Thắp một ngọn nến hay đèn dầu thòng dây thả xuống đáy nếu đèn sáng bình thường thì người đào giếng có thể xuống được. Nếu đèn tắt thì phải bơm sục khí nhiều lần để tạo sự thông thoáng với oxy của không khí (có thể dùng một cành lá tươi đủ lớn buộc dây thả xuống đáy và kéo lên, thả xuống nhiều lần tạo sự thông thoáng với oxy). Khi người xuống đáy giếng nên đeo dây bảo hiểm và phải có người trực trên miệng giếng, khi có sự cố người dưới giếng kịp thời hỗ trợ và cấp cứu.

vBảo quản và sử dụng:

Giếng phải cách nguồn gây ô nhiễm (hố nước thải sinh hoạt, hố rác, nhà tiêu.chuồng trại chăn nuôi gia súc) tối thiểu 10m.

Giếng có thành giếng cao tối thiểu 0,6m so với nền giếng, có nắp đậy miệng giếng, có lỗ thông hơi. Nền giếng nên làm bằng vữa xi măng kích thước 2mx2m để nước bẩn không thấm vào giếng.

Để tránh nước mưa, nước rửa thấm trực tiếp xuống giếng cần phải lát nền xung quanh giếng hoặc đổ bê tông và có rãnh thoát nước dẫn ra xa hoặc đổ vào hố thấm nước thải cách xa giếng tối thiểu 10m.

Khi sử dụng bơm điện thì phải nối dây tiếp đất để chống điện rò rỉ, máy bơm phải có hộp che đậy bảo quản máy bơm tránh nắng mưa.

Trước khi xảy ra lũ phải tháo máy bơm bảo quản, thu hồi đường dây điện, bịt kín miệng giếng.

Chất lượng nước giếng phải trong, không màu, không mùi vị lạ thì đưa vào sử dụng.

Nếu nước nhiễm sắt (phèn) thì dùng bể xử lý sắt để lọc (gồm sỏi, than, cát).

Luôn giữ gìn vệ sinh sạch sẽ khu vực giếng.

Sau 2-3 năm sử dụng phải thau rửa giếng bằng cách bơm múc hết nước giếng và nạo vét bùn, cát ở đáy giếng, bổ sung lớp sỏi loại 0,5-1cm. Kiểm tra các vết nứt ở thành giếng và dùng vữa xi măng trát lại.

Sở NN&PTNT  (Cập nhật ngày 24-06-2014)