Trước tình trạng nhiều nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm, TP. Hà Nội sẵn sàng thực hiện chủ trương sử dụng nước mặt thay nước ngầm bị ô nhiễm.
Theo đánh giá của đánh giá của Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE), đơn vị được giao lập điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội, nguồn nước ngầm tại Hà Nội đang ô nhiễm ở mức báo động.
Theo khảo sát hiện trạng cấp nước cho đô thị của VIWASE, các giếng ngầm tại các quận: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hà Đông, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm có hàm lượng sắt cao. Các giếng ở các quận: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân, Long Biên có hàm lượng mangan cao.
Đặc biệt, các giếng tại các quận ở phía Nam và Đông Nam thành phố thuộc các nhà máy nước: Pháp Vân, Hạ Đình, Tương Mai bị ô nhiễm nặng; nước ngầm không bảo đảm chất lượng, hàm lượng amoni rất cao và có dấu hiệu bị nhiễm bẩn bởi nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp.
Nguyên nhân là do khu vực này có địa hình thấp, toàn bộ nước bề mặt chưa được xử lý chảy về hướng này, ngấm xuống làm bẩn những tầng chứa nước nằm sâu dưới lòng đất.
Trước những thực tại này, mới đây tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP. Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung cho biết: “Mục tiêu đến hết 2020, thành phố sẽ phấn đấu toàn bộ khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn nước đô thị. Tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư để hoàn thành các nhà máy nước sạch sử dụng nguồn nước mặt các con sông. Đóng dần các giếng nước sử dụng nước giếng khoan”.
Thực hiện chủ trương của thành phố, nhiều công ty cấp nước cho biết đang thực hiện giảm giếng thiểu theo lộ trình.
Đại diện Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông (Công ty Nước sạch Hà Đông) cho biết, đơn vị cung cấp nước sạch cho nhân dân địa bàn Quận Hà Đông, các vùng phụ, lân cận, huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Đan Phượng. Hiện tại đang quản lý 55 giếng, các giếng khoan đang hoạt động bình thường, gần như không bị ô nhiễm. Công ty đã lên kế hoạch giảm giếng theo lộ trình các năm 2019-2020; 2020-2025; 2025-2030, theo lộ trình trên, đến năm 2030 sẽ giảm 23 giếng (42%).
Ông Trần Đình Vinh, Phó Giám đốc Công ty CP cấp nước Sơn Tây cho biết, đơn vị đang quản lý 20 giếng, nước hiện tại tương đối tốt. Theo kế hoạch, trước mắt sẽ giảm 3 giếng gần nhà dân, sử dụng 17 giếng, nếu thiếu nước sẽ lấy nước từ Ba Vì xuống.
Công ty nước sạch Hà Nội cũng đang thực hiện rà soát, báo cáo chi tiết lộ trình theo quy hoạch.
Ông Phạm Ngọc Hoan, Trưởng phòng tổng hợp Công ty Nước sạch Hà Đông chia sẻ, khi đóng giếng ngầm doanh nghiệp không phải lo sản xuất mà thực hiện nhiệm vụ truyền tải, tập trung vào hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tài chính đầu tư máy móc, công nghệ. Vấn đề giải quyết việc làm cho công nhân nhiều năm gắn bó với ngành nước.
“Giảm việc đồng nghĩa với giảm lương, giảm công nhân nhiều anh em thất nghiệp sẽ làm gì?” ông Hoan đặt vấn đề. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định công ty sẽ cố gắng giải quyết hài hòa, sẵn sàng hoàn thành chủ trương, kế hoạch đề ra.
Theo Phan Anh – Báo Lao động